Là một trong những nhiếp ảnh gia vĩ đại nhất và là phóng viên ảnh với những bức ảnh chiến tranh và các vấn đề trong xã hội, nhưng trên hết là ánh nhìn đầy cảm xúc và nhân văn của ông.
Sự nghiệp của ông, bắt đầu từ năm 1959. Nhiếp ảnh gia người Anh nổi tiếng với những ảnh chụp đầy ám ảnh, được biết đến về chiến tranh và xung đột, được chụp trên khắp thế giới. Trong 60 năm, ông đã đưa tin về các cuộc chiến và sự tàn phá, nạn đói kéo dài và nghèo đói trong thành phố, và đi khắp thế giới làm việc cho các tờ báo như Observer và Sunday Times Magazine.
Chiến tranh lấy đi sự bình yên, mang lại sự mất mát và đau thương. Các bức ảnh của ông mô tả những đứa trẻ chết đói hoặc người lính bị trúng đạn. Trong những thời khắc khó khăn ấy, trong vùng chiến sự, đứng trước đống đổ nát đầy ngổn ngang, nhưng ông vẫn tìm thấy những khoảng lặng đầy quý giá.
Đó là những khối bê tông hay tòa nhà được chụp chìm trong mảng sáng tối của ánh sáng, ảnh đường phố Anh Quốc, nhà máy hay các bức ảnh về phong cảnh với những cánh đồng trải dài.
Trong khung cảnh ấy, chúng ta nhìn thấy được sự yên bình trong nội tâm và những ước muốn trong cuộc sống đầy khao khát.
Sir Don McCullin sinh ra và lớn lên ở vùng phía bắc London nghèo khó. Từ những năm 1960, ông khởi đầu sự nghiệp trong vai trò nhiếp ảnh gia. Don McCullin đã đến Đức vào năm 1961 để chụp ảnh sự kiện Bức tường Berlin. Trong suốt 60 năm, ông đã chụp ảnh các cuộc xung đột khác nhau trên khắp thế giới.
Vì thế ông được biết đến nhiều nhất bởi những bức ảnh chiến tranh mang tính biểu tượng và trở thành một trong những nhiếp ảnh gia về chiến tranh hàng đầu của Vương quốc Anh.
Trong suốt sự nghiệp của mình, McCullin dành cả đời để ghi lại những cảnh nghèo đói, cuộc sống tầng lớp lao động ở khu East End London và các khu công nghiệp phía bắc, cũng như những khung cảnh trầm tư Somerset yêu quý. Đây là những hình ảnh đáng kinh ngạc và rất khó quên của ông.
Nhiếp ảnh với tôi không phải là những gì nhìn thấy, mà là cảm xúc. Nếu bạn không thể cảm nhận được những gì đang xảy ra, thì sẽ không bao giờ khiến người khác cảm nhận được những gì khi xem ảnh.
Trở về với bản thể
Nhưng nếu không có chiến tranh, thì có lẽ ông sẽ trở thành một phóng viên ảnh xã hội hoặc một nhiếp ảnh gia về phong cảnh. Ông không muốn thừa nhận mình là một nghệ sỹ nhiếp ảnh, ông thích vai trò một phóng viên ảnh nhiều hơn. Don McCullin chụp nhiều đối tượng nhưng sở thích vẫn là hình ảnh thành thị London, khu công nghiệp phía Bắc và vùng nông thôn nước Anh.
Lớn lên trong nghèo khó, chuyên bận đồ cũ của người khác ủy lạo để đến trường. Ông mồ côi cha từ năm 13 tuổi, đó là thời điểm mà ông nói mình cần cha nhiều nhất. Ông đã lớn lên với những tên xã hội đen và thậm chí với những kẻ giết người. Vì vậy, ông đã mang quá khứ đó như một vết xăm không thể xóa nhòa và chuyển tải nó vào trong những bức ảnh cũng như các đề tài mà ông theo đuổi.
khoảng lặng trong cuộc sống
Có quá nhiều bài viết về ông, về những bức ảnh chiến tranh, nhưng chúng tôi muốn nói về một khía cạnh khác, những tác phẩm mang đầy tính nhân văn, sự khao khát bình thường và cả sự lạc quan trong nghịch cảnh.
Trong tác phẩm “Near Checkpoint Charlie – Berlin“ Chúng ta thấy gần trạm canh gác, có những người lính Đức, đang hướng mắt về người phụ nữ bận váy đi trên đường, nhưng thực tế cũng có thể họ đang canh chừng kẻ thù ở phía bên kia. Bức ảnh gợi cho chúng ta những điều rất bình thường, có thể họ nhớ về người phụ nữ trong gia đình, một người mẹ, người chị hoặc người vợ, mà lẽ ra giờ đây họ đang sum vầy nếu không có chiến tranh. Bức ảnh cho người xem nhiều cảm xúc và khoảnh khắc ấy đã lay động lòng người.
Khi xem ảnh của ông, chúng ta sẽ thấy sự hối hả trong xã hội dường như không hiện hữu với cậu bé thông qua sự gặp gỡ bất ngờ với chú mèo trên đường hay hình ảnh người lính canh đang ngó về phía xa như đang tìm kiếm điều gì đó bình thường trong cuộc sống. Hoặc hình ảnh người lao động đơn độc trước cuộc cách mạng công nghiệp Anh, qua hình bóng người đàn ông lầm lũi bước đi trên con đường một mình, phía xa là nhà máy đầy ô nhiễm cùng rác thải công nghiệp bao quanh.
Cảm xúc là chất xúc tác
Không hề bàn cãi về sự nghiệp lẫy lừng của Sir. Don McCullin. Đã có nhiều đoàn làm phim về ông như phim “Just One More War“ hay bộ phim “McCullin“ của đạo diễn David Morris và Jacqui Morris. Trong những năm 1990, ông đã chuyển sang chụp các tác phẩm về phong cảnh, tĩnh vật và chân dung.
Trong suốt sự nghiệp, Don McCullin đã tìm thấy chính mình ở ngoài nền văn minh, ghi lại bối cảnh bằng một trực giác, gợi lên những cảm xúc sâu thẳm nhất và trạng thái mộc mạc nhất của cảm giác được sống. Không nghi ngờ gì nữa, xung đột và thảm họa chưa bao giờ rời bỏ ông, Ông có mặt ở hầu hết mọi thảm họa nhân đạo lớn trong nửa thế kỷ qua, nhưng chính những hình ảnh phong cảnh mới thật sự giúp ông tìm thấy niềm an ủi và tạo ra những khoảnh khắc hòa bình và tĩnh lặng được chia sẻ với người xem.
Bạn không thể đi trên mặt nước của đói khổ hay chết. Bạn phải lội qua để ghi lại chúng. Tôi muốn trở thành nhiếp ảnh gia khó khăn nhất trên thế giới.
Máy ảnh
Trong hơn 50 năm, McCullin chủ yếu sử dụng máy ảnh phim 35mm với tiêu cự yêu thích 28mm và 135mm. McCullin thường sử dụng loại phim Kodak Tri-X. Năm 2012, ông bắt đầu sử dụng máy ảnh Canon EOS 5D và tiếp tục sử dụng chúng cùng với máy ảnh phim khổ lớn và khổ trung bình của mình cho đến ngày nay.