"Bức ảnh đầu tiên của Joseph Nicéphore Niepce đã bị thất lạc hàng thế kỷ, nhưng ngày nay nó vẫn được quan tâm như một báu vật duy nhất của lịch sử" David Clark. Ngày nay nhiếp ảnh được xem là một trong những ngành khoa học và là bộ môn nghệ thuật tạo hình. Nhiếp ảnh không chỉ là hình ảnh, mà còn có cả những đóng góp tích cực khác phía sau liên quan đến công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, lý luận, ý thức, tác động xã hội và những công việc gián tiếp khác. Khi cầm tấm ảnh trên tay, mấy ai biết từ hơn 200 năm trước, tấm hình đầu tiên được chụp mất tám giờ và nhiều giờ nữa để hình ảnh được định hình trên tấm kim loại.
Bức ảnh hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới được Joseph Nicéphore Niepce làm ra vào năm 1826 có tên “Tầm nhìn từ cánh cửa sổ” . (View from the window at Le Gras)
Mùa xuân năm 1765, ở miền trung nước Pháp, một cậu bé ra đời trong gia đình trí thức và có truyền thống đam mê nghiên cứu khoa học. Sự hiện diện của cậu ít ai ngờ rằng đã làm thay đổi thế giới, mở ra một trang mới cho lịch sử nhiếp ảnh sau này. Tên của cậu là Joseph Nicéphore Niepce, người đầu tiên được xem là đã phát minh ra bộ môn nhiếp ảnh. Tốt nghiệp đại học Oratorian ở Anger, chuyên ngành nghiên cứu khoa và thực nghiệm, ông trở thành giáo sư của nhà trường sau đó. Rời quân ngũ, từ bỏ vai trò quản lý chính quyền quận Nice, ông tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Và nhiếp ảnh là tất cả những gì ông dành trong phần đời còn lại.
Sơ khởi, nhiếp ảnh đã hình thành từ khi máy ảnh obscura được phát minh trước thế kỷ 18. Các công nghệ làm ảnh cũng như máy ảnh được công bố từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên các nghiên cứu chỉ dừng lại với những hình ảnh trong phòng thí nghiệm. Hình ảnh sau khi hình thành trên vật liệu bắt sáng bị biến mất khi đem ra ánh sáng. Việc nghiên cứu để lưu giữ hình ảnh bị gián đoạn trong nhiều thập kỷ, thu hút sự tìm tòi từ nhiều nhà nghiên cứu, cũng như các nhà phát minh . Bắt đầu thử nghiệm từ những năm 1793, Niepce đã cho ra nhiều hình ảnh khác nhau, nhưng chúng nhanh chóng bị phai. Các cải tiến liên tục khi thay đổi vật liệu từ kim loại đến giấy đều không mang lại kết quả khả quan. Một trong nhiều bức ảnh được biết đến bằng kỹ thuật bản in là hình ảnh “Người đàn ông dẫn ngựa” vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.
Các hóa chất cũng như chất định hình được tìm ra một cách rời rạc hay vô tình bởi những người khác nhau trong những lĩnh vực không thuộc nhiếp ảnh. Vào đầu năm 1820, Niepce đã nghiên cứu kết hợp lại và thử nghiệm nhiều lần khi cho ánh sáng tiếp xúc với bề mặt đá và thủy tinh có tráng lớp hỗn hợp nhựa đường hòa tan với tinh dầu cây oải hương. Lớp này trở nên đông cứng và không hòa tan khi tiếp xúc với ánh sáng, giúp hình ảnh được định hình vĩnh viễn. Quy trình này được ông ghi lại cặn kẽ trong thư gửi cho người anh ruột của mình. Ông viết “Tôi thực sự hài lòng với những cải tiến trong quy trình làm ảnh, kết quả mang lại thành công như những gì tôi mong đợi”. Năm 1826, Niépce đã cho ra bức ảnh hòan chỉnh đầu tiên có tên “Tầm nhìn từ cánh cửa số”.
Nghiên cứu này của ông đã mang lại nhiều thành công cho nhiếp ảnh, nhưng cũng lấy mất đi nhiều thứ từ ông. Hơn 33 năm nghiên cứu để tạo ra được hình ảnh đầu tiên. Không chỉ có thời gian, ông còn tiêu tốn nhiều tài sản được thừa hưởng từ gia đình. Ông khánh kiệt với những khoản đầu tư khổng lồ cho những nghiên cứu khoa học của mình và sức khỏe cũng suy yếu, trừ lòng tâm huyết.
Lịch sử nhiếp ảnh được đánh dấu bởi hai sự kiện quan trọng, đó là sự phát minh ra chiếc máy ảnh và vật liệu bắt sáng. Trong đó chất định hình và những nghiên cứu trong quy trình làm ảnh của Niepce là cột mốc quan trọng nhất, giúp ông được nhiều người nhớ đến. Năm 1833, Niepce mất trong lặng lẽ, khi những bông hoa oải hương ở Pháp bắt đầu nở hoa. Những gì ông đã làm, được cả thế giới ghi nhận và biết ơn. Lịch sử nhiếp ảnh được mở ra từ tầm nhìn một cánh cửa sổ. Lòng đam mê nghiên cứu và những cống hiến khoa học không mệt mỏi là khởi nguồn để nhiếp ảnh tiếp tục phát triển như ngày hôm nay.
(Trích từ bản tin "Trắng Đen" số 01)